Điều kiện tự nhiên và đơn vị hành chính
Xã Hạnh Dịch là xã biên giới, nằm
về phía Tây Bắc huyện Quế Phong, có tọa độ địa lý 19°42′54″ vĩ độ Bắc
và 104°51′4″ kinh độ Đông; phía Bắc giáp huyện Sầm Tớ nước bạn
Lào và xã Thông Thụ, phía Nam giáp thị trấn Kim Sơn và xã Tiền Phong, phía Đông
giáp xã Tiền Phong và phía Tây giáp xã Nậm Giải. Xã có đường biên giới Việt -
Lào dài 13,063 km, với 4 cột mốc từ số 367 đến 370 (trước đây có một cột mốc là
I4).
1. Điều kiện tự nhiên
Tổng diện tích tự nhiên của
xã Hạnh Dịch là 18.019 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 130 ha; còn lại
là các loại đất khác.
Địa hình của xã khá phức tạp
với nhiều đồi núi cao, hiểm trở và linh thiêng như Pù Mai, Phà Huồng. Ngoài ra
còn bị chia cắt bởi nhiều khe suối nhỏ khác và sông Nậm Việc.
Trung tâm xã Hạnh Dịch
Rừng của xã Hạnh Dịch có diện
tích là 15.128,4 ha chiếm trên 80% tổng diện tích đất tự nhiên. Rừng
nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với hệ động thực vật đa dạng
và phong phú, mang tính đặc trưng nhất của khu bảo tồn. Khu bảo tồn thiên nhiên
Pù Hoạt có tổng diện tích rừng tự nhiên là 50.075 ha, trong đó đất rừng 35.939
ha, chiếm 71,8%, đất không rừng là 14.136 ha chiếm 28,2%. Vùng đất có rừng lá rộng
thường xanh có rừng giàu, rừng trung bình và rừng nghèo bao gồm cả núi đá, rừng
phục hồi, rừng hỗn giao cây gỗ với tre nứa, tổng trữ lượng có đến 3.011.123m2.
Hệ thực vật Pù Hoạt rất phong phú. Nó điển hình cho tất cả các khu rừng ở Bắc
Trung Bộ, cũng như ở phía Tây Nghệ An. Bước đầu thống kê được 612 loài của 117
họ, 342 chi thực vật bậc cao có mạch, trong đó ngành dương xỉ Polypodiphyta là
14 loài; Ngành thực vật hạt trần Pinophyta là 9 loài (3 loài được xếp vào sách
đỏ); Ngành thực vật hạt kín Magnoliophyta là 589 loài (30 loài được xếp vào
sách lá đỏ). Khu hệ động vật Pù Hoạt thể hiện tính đa dạng sinh học của rừng Bắc
Trung Bộ, bước đầu thống kê được 291 loài động vật có xương sống, trong đó thú
có 63 loài, chim có 176 loài, bò sát có 35 loài, lưỡng thê có 117 loài. Được
ghi vào sách đỏ 45 loài quý hiếm, trong đó thú có 24 loài, chim có 10 loài, bò
sát có 10 loài, lưỡng thê có 1 loài. Riêng thú, đáng kể là Bò tót, Voi, Vượn
đen, Hổ, Voọc xám, Tê tê, Cu ly lớn, Cu ly bé, Chó sói, Gấu ngựa, Gấu chó, Báo
lửa, Báo hoa mai, Báo gấm, Mèo rừng, Sơn dương, Sao la…
Hệ thống sông suối ở Hạnh Dịch
tương đối nhiều, đây là nguồn cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của
nhân dân. Ngoài ra còn cung cấp nguồn thủy năng, thủy sản rất lớn cho vùng. Vì
vậy công trình thủy điện Sao Va được xây dựng ở vùng này. Hàng năm từ dòng sông
này đã bù đắp một lượng lớn phù sa màu mỡ cho các cánh đồng ven sông suối. Sông
Nậm Việc là con sông lớn nhất chảy qua địa phận của xã. Nó bắt nguồn từ sườn
Đông của dãy Trường Sơn, chảy qua xã Hạnh Dịch, đến xã Tiền Phong rồi đổ vào
dòng sông Hiếu. Chạy trên một địa hình hiểm trở, dốc cao nên sông Nậm Việc tạo
ra nhiều thác ghềnh đẹp. Trong đó nổi tiếng nhất là quần thể thác bảy tầng và
thác Xao Va. Đây là những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của xã Hạnh Dịch
nói riêng và huyện Quế Phong nói chung. Tuy nhiên bên cạnh đó, hệ thống sông suối
ở Hạnh Dịch nhiều thác ghềnh, đá ngầm, vào mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về
gây nên lũ lụt, ảnh hưởng đến giao thông và gây ngập nhiều diện tích lúa, hoa
màu ven các sông suối.
Xã Hạnh Dịch nằm trong vùng
khí hậu nhiệt đới gió mùa. Khí hậu thường có sự thay đổi biên độ nhiệt giữa ban
ngày và ban đêm từ 5 đến 7°C. Nhiệt độ bình quân là 20°C (cao nhất là 40°C, thấp
nhất là 4°C).
Mùa mưa được bắt đầu từ cuối
tháng 4 đến đầu tháng 10, nhiệt độ ban ngày trung bình đạt 30°C, có khi đến
40°C thời tiết oi bức, mưa lớn thường xuất hiện vào những ngày nóng nực này.
Các tháng 6, 7, 8 ở Hạnh Dịch thường có hạn hán kéo dài, có năm hạn 3 đến 4
tháng, làm cho đời sống của nhân dân vô cùng vất vả. Những ngày có gió Lào, khí
hậu khô và nóng. Mỗi đợt như vậy thường kéo dài 5 - 10 ngày, sau đó dịu dần nhờ
những cơn mưa dông đột ngột.
Mùa khô thường kéo dài từ
tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hạnh Dịch cũng như một số xã miền núi
khác của huyện Quế Phong, mùa đông thường đến muộn hơn và kết thúc sớm hơn. Nhiệt
độ trung bình của mùa đông từ 16 - 180C, khi thấp nhất khoảng 5 - 70C.
Mùa đông thường có mây mù ẩm thấp, gió mùa Đông Bắc tràn về kéo theo mưa dầm,
mây mù, rét mướt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân
dân, nhất là về gia súc chăn thả rông theo lối chăn thả tự nhiên của nhân dân
trong xã.
Giao thông của xã Hạnh Dịch
trước đây chỉ là những con đường mòn nhỏ luồn lách giữa các hẻm núi, bờ sông.
Đường đi bị che phủ bởi cây cối um tùm. Địa hình bị chia cắt bởi các khe suối
nên nhân dân phải làm nhiều cây cầu để đi lại. Từ năm 1978 đến năm 1980 Đội cơ
giới 16 thuộc Công ty Lâm nghiệp sông Hiếu đã mở tuyến đường Phú Phương đi Hạnh
Dịch. Cho đến nay giao thông trên địa bàn xã cơ bản được hoàn chỉnh.
2. Địa lý hành chính
Theo lịch sử ghi nhận, thời
thuộc Minh năm Vĩnh Lạc 13 (1415) tách đặt làm châu Quỳ Châu, trước thuộc vào
Châu Diễn sau thuộc Thanh Hóa. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) vua Lê Thánh Tông
định lại bản đồ hành chính trong cả nước, châu Quỳ Châu đặt làm phủ Quỳ Châu
thuộc thừa tuyên Nghệ An, lúc này phủ Quỳ Châu có 2 huyện là Trung Sơn và Thúy
Vân. Các triều sau đều theo thế. Đến năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) đổi huyện
Trung Sơn làm huyện Quế Phong thuộc phủ Quỳ Châu. Lúc này huyện Quế Phong có 4
tổng là tổng Hữu Đạo, tổng Vân Tập, tổng Thanh Xuyên và tổng Quang Luyện. Vùng
đất xã Hạnh Dịch nằm trong tổng Vân Tập, bao gồm các xã Vân Tập, Hữu Văn và xã
Đồng Văn.
Thời thuộc
Pháp, ngày 20
tháng 10 năm 1907, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định sửa đổi hệ thống hành
chính ở phủ Quỳ Châu. Chúng chia tách phủ Quỳ Châu lập thời Minh
Mạng (1840)
thành hai đơn vị hành chính ngang nhau là: phủ Quỳ Châu và huyện Nghĩa
Đàn. Lúc này vùng
đất xã Hạnh Dịch thuộc phủ Quỳ Châu.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hệ thống hành chính
được thay đổi trên phạm vi cả nước, các đơn vị hành chính cấp phủ và tổng bị
xóa bỏ, các xã nhỏ được hợp nhất thành các xã có quy mô lớn hơn. Tên gọi phủ Quỳ
Châu được đổi thành huyện Quỳ Châu. Cuối năm 1946 tổng Vân Tập được đổi tên
thành xã Phảnh Keo, lúc này vùng đất xã Hạnh Dịch nằm trong xã Phảnh Keo.
Đầu năm 1950 thực hiện chủ
trương của cấp trên, các xã Cắm Lữ, xã Chỏm Bủn sáp nhập vào xã Phảnh Keo và lấy
tên là xã Kim Sơn. Lúc này vùng đất xã Hạnh Dịch lại thuộc xã Kim Sơn.
Năm 1961 nhằm điều chỉnh địa
giới hành chính cho phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên, ngày 27/2/1961 Hội đồng
Chính phủ đã ra Quyết định số 32-CP chia 5 xã thuộc huyện Quỳ Châu thành 21 xã.
Theo đó, xã Kim Sơn được chia thành 4 xã là Châu Kim, Châu Long, Châu Thôn và
Châu Hùng. Lúc này Hạnh Dịch thuộc xã Châu Long.
Thực hiện Quyết định số
52/CP ngày 19
tháng 4 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ, huyện Quỳ Châu được chia tách thành 3
huyện: Quế Phong, Quỳ Hợp và Quỳ Châu. Lúc này huyện Quế Phong có 6 xã là Châu
Kim, Châu Thôn, Kắm Muộn, Châu Hùng, Châu Long và Thông Thụ. Thời điểm này xã Hạnh
Dịch vẫn thuộc xã Châu Long, huyện Quế Phong.
Ngày 17/4/1965, Bộ Nội vụ ra
Quyết định số 143-NV, chia xã Châu Long thành hai xã là Hạnh Dịch và Châu Long.
Ngày 23/3/1977, Bộ trưởng Bộ
Nội vụ ra Quyết định số 56-BT hợp nhất các xã Châu Long, Hạnh Dịch và Mường Hin
thành xã Tiền Phong. Đến ngày 23/4/1979 Hội đồng Chính phủ lại ra quyết định số
176/CP chia xã Tiền Phong thành 2 xã là Tiền Phong và xã Hạnh Dịch. Tên gọi xã
Hạnh Dịch ổn định từ đó cho đến nay.
Xã Hạnh Dịch có 11 bản là: bản
Hủa Mương, bản Na Xai, bản Coóng, bản Mứt, bản Khổm, bản Pỏm Om, bản Pà Cọ, bản
Pà Kỉm, bản Chàm, bản Chằm Pụt và bản Chiếng.
Sau chủ trương sáp nhập đến
năm 2019, xã Hạnh Dịch còn 6 bản gồm: Bản Chiếng, bản Vinh Tiến, bản Quang
Vinh, bản Hạnh Tiến, bản Long Tiến, bản Long Thắng (Mường Đán).