1. Lịch sử hình thành dân
cư:
Hạnh Dịch là vùng đất có lịch sử hình thành dân
cư từ lâu đời. Theo cuốn sách Đồng Khánh Địa dư chí lược viết
vào thời vua Đồng Khánh (năm 1886) cho biết đã có tên xã Hành Dịch nằm trong tổng
Vân Tập huyện Quế Phong. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu và những câu chuyện kể
về sự thành lập bản mường của các già làng xã Hạnh Dịch cho biết, nhóm người
Thái đến đây định cư sinh sống theo hai con đường. Thứ nhất họ di cư từ các tỉnh
phía Tây Bắc nước ta rồi đến các tỉnh Thanh Hóa sang Nghệ An và đến định
cư ở xã Hạnh Dịch. Nhóm thứ hai di cư từ Lào tới Nghệ An, huyện Quế Phong rồi đến
vùng đất xã Hạnh Dịch. Quá trình khai khẩn dần dần hình thành 2 mường lớn đó là
Mường Đán và Mường Việc.
Mường Đán là một vùng thung
lũng, xung quanh là núi cao hiểm trở ở phía Tây Bắc của xã Hạnh Dịch, tiếp giáp
với nước Lào. Thung lũng Mường Đán được bao quan bởi các ngọn núi như Pù Pỏm Đồn
(xưa kia có đồn đóng ở đây nên gọi vậy), Pù Huồi Hò, Pù Gia Phai, Pù Càng Côm…
với một số hệ thống sông suối dày đặc như Huồi O, Huồi Na, Huồi Mướng và Huồi
Thanh. Tất cả các suối này đều chảy vào sông Nậm Đán tạo thành một nhánh của
sông Hiếu. Tên gọi Mường Đán được hiểu theo nhiều cách. Có người cho rằng Mường
Đán tức là mường khổ. Bởi theo các cụ cao niên kể lại cho biết: xưa kia đồng
bào phải chạy nạn, trốn tránh bọn giặc cướp bóc nên về đây sinh sống. Vừa chạy
loạn, vừa phải trốn tránh nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng cũng có một cách hiểu
khác đó là gọi chệch từ Mường Đan thành Mường Đán. Sự tích về Mường Đan kể rằng:
Ngày xưa có hai bà cháu xuống suối tắm, chẳng may cháu bị trượt chân bị nước cuốn
trôi, bà thấy vậy vội vàng chạy theo cứu cháu và lớn tiếng gọi “Ta đan đơ, ta
đan đơ” (nghĩa là trả lại cháu tôi đây). Từ đó người dân lấy tên vùng này là Tả
Đan hoặc Mường Đan. Sau này người dân phát âm và viết chữ khác nhau nên Mường
Đan thành Mường Đán.
Vùng đất Mường Đán trước đây
hay bị giặc Xá (Khơ Mú) đến đánh chiếm đóng. Từ đó, trong vùng có 2 ông là “Mừn
Quang và Mừn Pàn” kêu gọi mọi người nổi lên chống lại kẻ địch. Hửng ứng lời kêu
gọi của các ông “Mừn Quang và Mừn Pàn”, hàng ngàn thanh niên trai tráng của các
bản mường theo về. Từ đó hai ông thành lập một đội quân đông hàng ngàn người đứng
lên đánh đuổi giặc Xá và chinh phục được nhiều vùng đất đai rộng lớn. Sau đó
các ông này đã mua vùng đất Mường Mun và bán vùng đất Mường Đán cho ông Sầm Văn
La. Ông Sầm Văn La lại tiếp tục bán vùng đất Mường Đán cho ông Chinh Hương. Ông
Chinh Hương chủ đất vùng này được một thời gian thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra,
chính quyền về tay nhân dân, nhân dân Mường Đán được làm chủ bản mường sống
trong cảnh hòa bình tự do.
Mường Đán lúc đầu có 4 bản
là Na Xai, Hủa Mương, Cò Vạt và Cò Hiêng. Đến năm 1976 thực hiện chủ trương định
canh định cư của cấp trên, 4 bản của Mường Đán chuyển ra sinh sống ở Mường Hin.
Đến năm 1978 các bản của Mường Đán lại quay về nơi ở cũ và sáp nhập lại thành 2
bản mới đó là bản Hủa Mương và bản Na Xai. Hủa Mương theo tiếng Thái là đầu một
mường, Na Xai nghĩa là ruộng cắt. Trong Mường Đán họ Vi đến đây từ lâu đời nhất
rồi đến họ Lô, họ Hà, họ Ngân, họ Quang…
Mường Việc, theo tiếng Thái
là chỉ vùng đất con người phải lao động sản xuất quanh năm không hết việc, lao
động mệt nhọc khó khăn như vậy nhưng không đủ ăn. Mường Việc do một Tạo (người
đầu tiên đến đây khai phá lập mường) khai phá ra (đến nay vẫn chưa rõ họ tên).
Trước đây ở Mường Việc có 5 bản đó là bản Na Phá, bản Hủa Na, bản Cáng, bản Tổng
Huống, bản Chiếng.
Bản Na Phá nghĩa là ruộng
khai hoang sản xuất. Người đến khai phá vùng đất này đầu tiên là ông Hà Văn Vân
(trước đây gọi là họ Ká). Ông vốn là người Hán chạy giặc qua Thanh Hóa rồi đến
khai hoang sản xuất ở bản Na Phá, đến nay đã được 8 đời. Sau họ Hà là các dòng
họ Vi, họ Lo, họ Lô, họ Lương và họ Lê đến đây sinh sống.
Bản Hủa Na nghĩa là vùng ruộng
nương đầu của Mường Việc, tách ra từ bản Na Phá. Người đầu tiên đến đây khai
hoang sản xuất là ông Kim Văn Quân.
Bản Cáng nghĩa là bản ở vùng
trung tâm giữa Mường Việc. Trong bản họ Lữ đến đây khai hoang sản xuất đầu
tiên, đó là các ông Lữ Văn Mương, Lữ Văn Xốn. Sau đó các họ khác lần lượt tới
đây khai hoang sản xuất.
Bản Chàm nghĩa là vùng đất
đó có nhiều cây Chàm. Bản Chàm do các ông họ Vi là Vi Văn Giảng, Vi Văn Nhợ và
Vi Văn Tôn tới đây sản xuất đầu tiên, sau đó lần lượt đến các dòng họ khác.
Bản Tổng Huống nghĩa là bản
có cánh đồng to. Bản do ông Vi Văn Châu đến đây khai phá đầu tiên, sau đó là
các dòng họ khác.
Bản Chiếng trước đây ở bên
kia Nậm Việc sau đó chuyển sang bên này sông để lấy đất sản xuất. Bản Chiếng do
các ông Lữ Văn Tình, Lữ Văn Thiết đến khai hoang sản xuất đầu tiên.
Bản Pỏm Om nghĩa là bản ở
trên đồi, muốn lên tới bản đường đi phải vòng vèo quanh đồi mới tới được bản.
Bản Pà Kỉn là bản mới thành
lập năm 1996, tách ra từ bản Chàm. Bản Chắm Pụt nghĩa là trong bản có một khúc
sông có bọt nước nổi lên giống như ở dưới lòng sông có một con rồng phun nước
lên tạo thành bọt. Bản này do ông Lữ Văn Phương đến khai hoang đầu tiên, sau đó
đến các dòng họ khác như Lương, họ Vi, họ Lô, Hà.
Bản Mứt nghĩa là bản chập tối.
Bởi từ trung tâm đi bộ đến bản này đúng vừa lúc trời chập tối nên gọi bản này
là bản Mứt (mứt tức là chập tối). Họ Lương là dòng họ đến đây khai phá đầu
tiên, sau đó mới đến các dòng họ khác như họ Hà, họ Vi.
Bản Cóng nghĩa là bản chôn tập
trung. Bởi trước kia, bản này thường hay bị bọn phỉ từ phía Lào sang cướp bóc
giết nhiều người, rồi chôn người chết tập trung một chỗ nên gọi là Cóng. Dòng họ
về khai hoang đầu tiên ở đây đó là họ Lo có gốc từ xã Thông Thụ. Sau đó là các
dòng họ khác như Lô, Vi, Lương, Hà, Quang và Chạng tới đây sinh sống.
2. Vài nét về đời sống vật
chất và văn hóa tinh thần
Hạnh Dịch là xã nằm sát biên
giới Việt – Lào, địa hình bị chia cắt bởi nhiều khe, suối lớn, phần lớn diện
tích là đồi núi. Từ bao đời nay, nhân dân ở đây sinh sống chủ yếu dựa vào sản
xuất nông nghiệp làm nương rẫy. Từ xa xưa, nhân dân đã biết trồng lúa nước, nên
đời sống đỡ vất vả hơn so với các vùng khác trong huyện. Ngoài khai thác các
lâm thổ sản trong rừng, người dân còn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như
trâu, bò, lợn, gà… Đời sống nhân dân chủ yếu là tự cung tự cấp, các nghề thủ
công nghiệp chưa phát triển. Tuy
vậy đồng bào đã tạo dựng cho mình những nét văn hóa trong đời sống vật chất,
tinh thần rất đa dạng và phong phú.
Về ẩm thực, trang phục
hay nhà ở, đồng bào dân tộc Thái ở xã Hạnh Dịch cũng mang những đặc trưng chung
của các đồng bào dân tộc khác trong vùng huyện Quế Phong. Ẩm thực ở đây thường
có những đặc trưng khác biệt so với nhiều nơi ở miền xuôi. Cơ cấu bữa ăn hàng
ngày của đồng bào chủ yếu là các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp, làm nương
làm rẫy như: gạo, ngô, khoai, sắn, thức ăn chủ yếu đồng bào đánh bắt được ở
trong rừng hay dưới sông, suối các món ăn mang đậm hương vị miền núi như ăn
xôi, cơm lam, khầu hám, canh bon, xúp bon, canh măng đắng, thịt chua, thịt
giàng, cá nướng… Việc chế biến món ăn ở đây được nhân dân làm thành hai món
chính đó là chế biến trực tiếp nấu chín để ăn hoặc là chế biến để dùng dài
ngày. Trong các ngày lễ tết thức ăn, mâm cỗ được chế biến cầu kỳ hơn, nhiều món
ăn hơn, thường có các loại pá pình, thịt chua, bánh sừng trâu, cơm lam,
canh nhọoc, canh ột, chẻo măng đắng, pá nạp… và không thể thiếu món ăn Hó mọoc.
Đây là loại thức ăn rất đặc trưng, dân dã, bổ dưỡng của người Thái.
Phụ nữ Thái ở bản Mường Đán
Thức uống của đồng bào
nơi đây cũng đa dạng được hái từ trong rừng về. Rượu của người Thái có hai loại
đó là rượu trắng chế từ ngũ cốc, sắn, các thứ củ trong rừng với thứ mem lá, và
rượu cần còn gọi là rượu trấu, hông lên rồi bỏ ủ cùng với men trong những chiếc
chum, chiếc vò rồi bịt chặt lại, rượu cần thường được sử dụng khi gia đình có
khách quý đến hay anh em bà con lâu ngày đến thăm nhau, mọi người thường quây
quần bên nhau cùng uống, tâm sự, thăm hỏi và hát múa.
Trang phục của người
phụ nữ Thái được khâu may cẩn thận, có thêu nhiều hoa văn trên nền chiếc áo,
chiếc váy. Đi kèm với đó là chiếc khăn, vòng bạc, túi đeo, màn, rèm… trang
trí. Với người phụ nữ Thái, chiếc váy không chỉ là trang phục mà còn là biểu
tượng văn hóa. Xưa kia, phụ nữ Thái ai cũng biết dệt thổ cẩm và tự tay làm nên
chiếc váy áo cho mình. Mỗi bộ váy áo, nhất là chiếc chân váy thể hiện sự tài
hoa, tinh tế của người dệt. Không những thế, người ta có thể nhìn vào họa tiết,
màu sắc của chiếc chân váy để biết người mặc thuộc nhóm Thái nào. Khi dệt một
chiếc váy, làm chân váy là công đoạn khó và cầu kỳ nhất. Các chân váy có điểm
chung là hình ảnh, đường nét sinh động, bố cục hài hòa và sự đối xứng đáng kinh
ngạc trong từng sản phẩm. Mỗi đường kim, sợi chỉ trên chiếc chân váy thể hiện sự
tinh xảo của đôi tay, đồng thời là những quan niệm về cuộc sống, thẩm mỹ của
người dân trên vùng núi rừng.Với những chiếc váy của người phụ nữ thuộc dòng
Thái tày Mường (hay còn gọi là Thái trắng) thì chân váy và thân váy thường tách
thành 2 bộ phận rõ rệt. Chân váy của người phụ nữ thuộc dòng người Thái này có
nhiều họa tiết đặc sắc, nhiều hình ảnh sinh động như: hình ông mặt trời, hình
cây, con vật... Những chiếc chân váy của người phụ nữ thuộc dòng Thái tày
Thanh thường liền với thân váy (có nhiều người còn gọi là váy không có chân
váy). Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chiếc váy của người Thái Thanh vẫn có hai phần
rất rõ ràng. Chân váy của người phụ nữ thuộc Thái Thanh thường đơn giản hơn,
tông màu tối hơn Thái tày Mường. Vào những dịp lễ tết người phụ nữ Thái
thường mặc các trang phục truyền thống của mình, đầu đội khăn, khăn của phụ
nữ Thái được làm từ vải bông, tự dệt, được trang trí rất hài hòa, đẹp và có điểm
nhấn. Chiều rộng từ 35 - 40cm, chiều dài từ 150 - 200cm. Với nền màu chàm đen,
trên nền đó người phụ nữ Thái thêu, dệt các đồ án hoa văn bằng các loại chì màu
(xanh, đỏ, tím, vàng,..) đã chuẩn bị từ trước, ở hai đầu khăn và cũng những sợi
chỉ màu đỏ, người phụ nữ Thái đã khéo léo để dư ra một đoạn khoảng từ 5 - 10cm
làm những tua xanh, vàng, tím, đỏ,... xung quanh viền hai đầu khăn. Dây thắt
lưng váy màu xanh, đeo quả đào bằng bạc, cổ tay đeo vòng bạc. Người đàn ông thường
mặc áo cộc xẻ thân trước với hàng khuy cài bằng xương hay bằng vải tết tròn lại.
Quần của họ có cạp, khi mặc thường túm lại rồi thắt bắt chéo trước bụng, ống rộng,
ngắn đến mắt cá chân. Cả quần và áo đều màu chàm, may bằng thứ vải bông do phụ
nữ trong gia đình dệt thành.
Mái nhà sàn người Thái cổ Mường Đán
Nhà ở của người Thái là nhà sàn,
được làm bằng các vật liệu vững chắc như gỗ lim, gỗ táu, dổi và được dựng ở gần
các khe, suối. Nhà sàn thường có 4 mái, hai mái chính và hai mái phụ ở hai đầu
hồi và có một cầu thang để lên xuống. Tùy từng điều kiện gia đình mà nhà sàn được
thiết kế to nhỏ khác nhau. Trước đây nhà sàn được thiết kế với khung gỗ vững chắc,
mái được lợp bằng gỗ sa mu chẻ mỏng, đây là loại gỗ chịu được thời tiết mưa nắng,
mối mọt với tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Thưng xung quanh nhà là các tấm ván
gỗ chắc chắn, nhà nào không có điều kiện kinh tế làm bằng phên vách đan bằng nứa.
Nhà có 2 tầng, tầng trên cao hơn tầng dưới để tránh thú dữ, ẩm thấp nơi rừng
sâu, tầng dưới xưa kia còn được thiết kế để làm nơi ở của gia súc, gia cầm, đồng
thời cũng là nơi đặt Luống (tức là Lòng dã gạo), củi và các dụng cụ lao động sản
xuất hàng ngày. Tầng trên là nơi sinh hoạt ngủ, nghỉ của gia đình được liên kết
với một cầu thang. Sàn nhà được làm bằng ván chắc chắn. Nhà thường được kết cấu
từ 3 – 5 gian, mỗi gian có một không gian sử dụng riêng, gian đầu tiên là nơi để
tiếp khách ngồi chơi, nghỉ ngơi, gian thứ hai được dùng để thờ cúng gia tiên,
ngày thường người phụ nữ không được ngồi chơi hay nghỉ ngơi ở gian này, gian thứ
3 là gian ngủ của chủ nhà và các thành viên trong gia đình. Trong nhà thường có
2 cái bếp đó là bếp trong và bếp ngoài, ngày xưa thường có nhiều thế hệ ở trong
nhà nên nhà sàn của đồng bào thường có nhiều gian 5 – 7 gian nên lượng người
sinh hoạt đông nên phải có 2 bếp để nấu nướng thức ăn và sưởi ấm vào mùa đông.
Nhà ở của các bản thường được bố trí sát cạnh nhau, nhìn ra hướng đường hoặc
các khe suối. Đây là nét đặc sắc trong kiến trúc nhà ở của đồng bào Thái ở xã Hạnh
Dịch.
Các nghề thủ công truyền thống
như đan lát, may, dệt, mộc, rèn… vẫn được nhân dân trong xã duy trì và phát triển
cho đến ngày nay. Từ xa xưa người Thái ở Hạnh Dịch đã có tiếng về nghề dệt thổ
cẩm. Trong mỗi gia đình, con gái được dạy thêu từ thuở nhỏ. Đó là một tiêu chuẩn
quan trọng để các chàng trai sau này chọn làm vợ. Ở Hạnh Dịch khung cửi được
làm bằng tre, bằng gỗ có khổ rộng hơn so với nhiều nơi khác, một điểm khác biệt
nữa của đồng bào Thái ở Hạnh Dịch là thêu các hoa văn họa tiết trực tiếp trên
khung cửi làm như vậy các đường nét hoa văn tinh tế hơn mịn hơn đồng thơi nhanh
hơn và đẹp hơn so với thêu thông thường. Đàn ông thường giỏi đan lát song mây,
tre nứa để làm đồ dùng trong nhà hoặc đem bán để lấy tiền như mâm, ghế, ép xôi,
gùi…
Đời sống tinh thần của đồng bào ở
Hạnh Dịch cũng rất phong phú. Mặc dù đồng bào định cư sinh sống thành các bản nằm
rải rác ở các khu vực khác nhau nhưng họ đã hình thành nên những bản trung tâm
với vùng “Pù Xưa” chung của cộng đồng các bản đó. Trước đây người ta cấm chặt
cây ở vùng “Lắc Xưa” vì niềm tin rằng ai chặt phá cây ở vùng thần linh ở sẽ bị
tội chết. Chỉ có dịp duy nhất là trược khi tổ chức lễ thì được phát dọn một lối
đi nhỏ để có thể đặt lễ vào cột “Lắc Xưa”. Lễ tế Sần (thần) ở Mường Đán được tổ
chức vào dịp trỉa lúa đó là từ ngày 4 đến ngày 20/3 âm lịch hàng năm. Tế Sần
(thần) là một dịp dân bản xin các vị thần tha lỗi cho những việc làm không phải
trong năm qua và cầu xin thần linh làm cho mưa thuận gió hòa làm ăn phát đạt,
có cuộc sống thanh bình, tránh mọi nguy hiểm cho cộng đồng. Ngày tế, dân làng
đưa lợn đến thịt để thờ cúng ở Piêng Lầu trong 3 năm đầu, đến năm thứ tư dâng
cúng thần linh bằng một con trâu. Tất cả các chủ gia đình đưa áo của mình cùng
nhau đặt trên một chiếc mâm để tế Sần (thần) và cùng đến Piêng Lầu làm lễ. Ngày
nay vẫn còn những di tích “Pù Xưa” tồn tại ở bản Mứt, bản Pỏm Om và bản Chiếng,
tuy nhiên lễ tế thần đã không còn nữa.
Ngoài lễ tế thần linh, đồng bào Hạnh
Dịch xưa kia còn có lễ lúa mới (khau căm), lễ phòng trừ hỏa hoạn (Láng Tạ hoặc
Sap xe phay) hay lễ hội Xăng Khan – lễ của các thầy mo.
Ở Hạnh Dịch những thầy Mo có vai
trò quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân nơi đây. Xưa kia gia đình
nào bị ốm đau, bệnh tật nặng đều phải mời mo về cúng để đuổi con ma làm hại con
người, hay làm vía cũng phải nhờ đến các mo. Mo cũng phân ra các loại đó là Mo
Một, Mo Tang Nhao, Mo Mốn và Mo Hạc Mạy. Trong đó Mo Một là mo to nhất, chuyên
trách công việc làm lễ tế cúng thần linh, cúng ma…; mo Tang Nhao là chuyên về
cúng cho người chết…; còn đối với mo Hạc Mạy là chuyên chữa bệnh cho người dân
bằng các loại thuốc Nam như rễ các loại cây cỏ trong rừng.
Trải qua bao năm tháng
các thế hệ đồng bào Hạnh Dịch đã tạo dựng nên một nền văn hóa tinh thần mang đậm
đã bản sắc dân tộc Thái. Đó là sự giản dị chân chất, mộc mạc thấm đượm tình người,
tình yêu cuộc sống lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước…
Điều đáng ghi nhận và
tự hào của đồng bào Thái ở Hạnh Dịch đó là nhiều người còn biết chữ Thái Lai
Tay. Trong văn hóa, văn nghệ, thơ ca, tục ngữ, dân ca Thái rất giàu hình tượng,
đậm chất trữ tình… đó là những điệu Sên, Khắp, Suối, Lăm, Nhuôn, truyện cổ, cồng
chiêng…. Các câu hát, điệu hò thường ngắn gọn, súc tích dễ hiểu, dễ hát, dễ nhớ
mang tính truyền cảm cao, đưa đến cho mọi người đều có thể cùng hát, cùng xướng
họa trong các ngày lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Ngày nay ở bản Na Xái
đã phục dựng và thành lập một đội cồng chiêng, khắc luống do chi hội phụ nữ bản
biểu diễn để phục vụ sinh hoạt văn hóa cho bản cho xã và phục vụ cho khách du lịch
cộng đồng nơi đây.
Hôn nhân của đồng bào
người Thái ở Hạnh Dịch vẫn giữ tục lệ ông mối, bà mối. Họ xem ông bà mối là người
thân thứ ba của mình cả bên nhà gái hay bên nhà trai đều có ông, bà mối. Ông bà
mối là những người được dân bản tôn trọng, có đông con cái, am hiểu phong tục tập
quán, biết ăn nói. Ông bà mối nào đã nhận lời làm mối tức là nhận trách nhiệm tất
cả các nghi lễ chuẩn bị có liên quan đến lễ cưới. Trong hôn nhân ở Hạnh Dịch
cũng giống như các xã khác trong huyện Quế Phong đều trải qua các lễ như Chiết
Xáo, lễ đi hỏi hay còn gọi là lễ dạm hỏi vợ; lễ đi thăm; lễ ăn hỏi và cuối cùng
là lễ cưới.
Do coi trọng việc thờ
cúng tổ tiên (ma nhà) nên việc tang ma thường được tổ chức chu đáo và trải qua
nhiều nghi lễ như quàn thi hài, báo tang, phân công tổ chức đám ma, khâm liệm
và thờ cúng tại nhà, ngày đưa ma, hạ huyệt... Tùy từng gia đình có điều kiện
thường tổ chức các lễ này long trọng và cầu kỳ hơn, còn những gia đình không có
điều kiện thì những phần lễ này tổ chức đơn giản nhưng không được bỏ qua một lễ
nào.
Ngày nay đời sống ngày
càng phát triển, các lễ lạt rườm rà, hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với cuộc
sống hiện đại đã dần được nhân dân Hạnh Dịch loại bỏ, chỉ giữ lại những thuần
phong mỹ tục truyền dạy cho con cháu.
Trước Cách mạng Tháng
Tám năm 1945, dưới sự thống trị của thực dân và phong kiến, nhân dân xã Hạnh Dịch
không được học hành, mọi người giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc mình. Chỉ
có một số ít người là biết ít tiếng phổ thông để trao đổi hàng hóa. Trong cả
vùng không có trường học, không có trạm y tế, mỗi khi người dân bị bệnh thì tìm
đến các loại lá rừng, cây rừng đem về chữa, nếu không khỏi thì đi mời thầy mo về
để làm lễ đuổi con ma đi cho người mau khỏe. Bởi đồng bào ở đây quan niệm rằng
mọi bệnh tật là đều do ma gây ra nên phải mời thầy mo về cầu cúng để đuổi ma hoặc
bắt ma cho người được khỏe mạnh, vì thế nên bệnh dịch hoành hành, ốm đau, bệnh
tật thường xuyên.
Sau Cách mạng Tháng
Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lớp học, rồi trường học mở ra, trạm
y tế hình thành, từ đó trình độ nhận thức của đồng bào được nâng lên, cuộc sống
được đảm bảo hơn, công tác chăm sóc sức khỏe được chú trọng nên tuổi thọ trung
bình của người dân ngày càng tăng cao. Đến nay trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc
gia giai đoạn I (2007) và giai đoạn II (2017).